Xóa án tích
Câu hỏi: Luật sư cho tôi hỏi, phải làm thủ tục gì để được xóa án tích, cháu tôi bị Tòa án kết tội cố ý gây thương tích và đã chấp hành xong hình phạt chính là phạt tù 4 năm thì có đương nhiên được xóa án tích không?
Trả lời:
Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn về cho Công ty Luật TNHH Nguyễn Nga và Cộng sự, về thắc mắc của anh/chị, chúng tôi đưa ra ý kiến pháp lý như sau:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Bộ luật Hình sự quy định có 02 loại xóa án tích: đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án, cụ thể:
- Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Điều kiện để đương nhiên được xóa án tích là nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
- a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm
- c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp này, Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích nếu có đủ điều kiện nêu trên. Tại Khoản 4, điều 70, Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định: “Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”. Đồng thời, khoản 1 Điều 369 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP là họ không có án tích”.
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Khác với trường hợp đương nhiên được xóa án tích, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội nêu trên (Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015). Người bị kết án phải có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án. Nếu xét thấy đủ điều kiện, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích. Điều kiện để Tòa án xem xét quyết định xóa án tích là từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn: (a) 01 năm nếu bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; (b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; (c) 05 năm nếu bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm, (d) 07 năm nếu bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Như vậy, trường hợp của cháu anh/chị, bị kết án về tội cố ý gây thương tích, không thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh và đã chấp hành xong hình phạt chính sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 2 năm.