Bệnh viện Việt Đức có vi phạm pháp luật khi thông báo hạn chế mổ phiên từ ngày 01/03/2023?
Vừa qua, trước thông tin từ ngày 01/03/2023, Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ phiên (theo kế hoạch), chỉ ưu tiên mổ cấp cứu vì cạn kiệt vật tư, hóa chất, nhiều bệnh nhân và người nhà đã không khỏi hoang mang, lo ngại. Trước ngày 01/03/2023 đã có hàng trăm bệnh nhân đến cùng người nhà đứng, ngồi tại khu vực khám bệnh để chờ đợi đến lượt.
Ví dụ: Trường hợp của ông Đ., quê Phú Thọ, bị tiêu chỏm xương đùi phải ngồi xe lăn. Trước khi đến viện, ông đã tham khảo ý kiến của bác sĩ quen và biết bệnh của ông chắc chắn phải phẫu thuật. Chưa kịp đến Việt Đức thì nghe tin "hạn chế", ông tức tốc đi khám ngay với hy vọng được lên lịch trong một, hai hôm nữa, nếu phải chờ bệnh sẽ chuyển nặng[1].
Theo quy định pháp luật, bệnh viện có trách nhiệm “Tổ chức việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh” (Điều 53, khoản 1 Luật khám chữa bệnh 2009), việc hạn chế mổ phiên có khả năng ảnh hưởng bất lợi đến những người bệnh đang cần được phẫu thuật dù họ chưa phải mổ gấp theo diện cấp cứu. Tuy nhiên, đây chưa phải là hành vi bị cấm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, cụ thể theo Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 về các hành vi bị cấm: “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”.
Do vậy, chỉ khi Bệnh viện Việt Đức từ chối mổ cho người bệnh trong tình trạng cấp cứu hoặc cố ý chậm cấp cứu cho người bệnh thì mới bị xem là vi phạm điều cấm.
Việc khám chữa bệnh cứu người được Chính phủ đặt lên vai các cơ sở khám chữa bệnh. Ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid 19 hoành hành, cả nước phải oằn lưng chống dịch thì Chính phủ vẫn yêu cầu ngành y tế phải duy trì công tác khám, chữa bệnh thông thường, theo đó Bộ Y tế đã chỉ đạo: “4.2. Các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; cần nghiêm khắc xử lý các cơ sở khám, chữa bệnh nếu vi phạm.” (Công văn số 6589/BYT-KCB ngày 13/08/2021 của Bộ Y tế).
Như vậy, việc Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ phiên, để dành hóa chất, vật tư y tế phục vụ mổ cấp cứu, mặc dù không vi phạm điều pháp luật cấm, nhưng cũng là tin không vui cho những người bệnh đang cần mổ phiên (đã có chỉ định phẫu thuật và xếp phẫu thuật theo kế hoạch).
Trong hai ngày 3/3 và 4/3/2023, Chính phủ đã liên tiếp ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Các quy định này đã phần nào tháo gỡ vướng mắc trong việc thiếu thuốc và trang thiết bị y tế hiện nay của nhiều bệnh viện, và Bệnh viện Việt Đức dự kiến sẽ sớm mổ phiên trở lại[2].
[1] https://vnexpress.net/benh-nhan-do-xo-den-kham-truoc-khi-viet-duc-han-che-mo-4575825.html
[2] https://tuoitre.vn/duoc-go-vuong-benh-vien-viet-duc-tro-lai-lich-mo-phien-tu-tuan-sau-20230307143307589.htm