HỢP ĐỒNG GIẢ CÁCH VÀ VỤ ÁN TÂN HIỆP PHÁT DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LÝ
Vừa qua cơ quan CSĐT vừa khởi tố và bắt tạm giam ông T.Q.Thanh – chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát và con gái T.U.P để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhiều cá nhân đã đứng đơn tố cáo các sự việc khác nhau nhưng đều có điểm chung là từng vay tiền của ông Trần Quí Thanh và họ cho rằng sau đó bị "ép" phải chuyển nhượng bất động sản/cổ phần cho ông Thanh hoặc con gái, hay công ty do ông Thanh chỉ định, theo các “hợp đồng giả cách”.
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam có quy định về hợp đồng[1], chứ chưa định nghĩa thế nào là “Hợp đồng giả cách”. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, có thể hiểu hợp đồng giả cách là hợp đồng được xác lập về mặt hình thức nhưng không thể hiện ý chí thật của các bên, các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã ký, việc ký kết hợp đồng này để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ các bên theo một hợp đồng khác, che giấu một giao dịch khác.
Pháp luật Việt nam không công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng giả cách. Hợp đồng giả cách cũng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên quy định tại hợp đồng đó. Theo Khoản 1 Điều 124 BLDS 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan”.
Liên quan đến vụ án trên, ông Thanh và các con gái bị tố cáo đã có hành vi ký kết hợp đồng mua bán cổ phần (là hợp đồng giả cách) nhằm che dấu bản chất là giao dịch cho vay tiền. Tuy nhiên thông qua hợp đồng giả cách, sau khi nhận được tài sản lại muốn chiếm đoạt, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu theo thỏa thuận cho vay tiền ban đầu (giao dịch bị che giấu), đơn phương công nhận hiệu lực của hợp đồng giả cách.
Hành vi nêu trên có dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sử dụng hợp đồng giả cách như một phương thức, thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên đây là vụ án hình sự phức tạp vì giá trị tài sản lớn, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức nên Cơ quan cảnh sát điều tra cần thu thập chứng cứ làm rõ tình tiết vụ án để có căn cứ giải quyết đúng người đúng tội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan theo quy định pháp luật.
[1] Điều 116 BLDS 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”. Theo Điều 117 BLDS 2015, Hợp đồng là một hình thức của giao dịch dân sư, có hiệu lực khi có đầy đủ các điều kiện bao gồm: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức đảm bảo theo quy định pháp luật.