VẤN ĐỀ QUAN HỆ TÌNH DỤC VÀ HỦY BỎ THAI CỦA TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
Pháp luật Việt nam hiện chưa quy định thế nào là “Trẻ vị thành niên”, tuy nhiên, một số văn bản pháp luật [1] đã đề cập gián tiếp đến tuổi của trẻ em, người thành niên, nên có thể hiểu trẻ vị thành niên là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Tuổi vị thành niên thường có nhiều thay đổi lớn về tâm sinh lý và xuất hiện nhu cầu tình dục, trong một số trường hợp các em có quan hệ tình dục sớm và mang thai ngoài ý muốn.
Dưới góc độ pháp lý, việc quan hệ tình dục (dù đồng thuận) với người dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, bị can đồng thời phải bồi thường thiệt hại về thể chất, tinh thần, y tế cho nạn nhân. Còn nếu cả hai người đều từ đủ 16 tuổi trở lên mà đồng thuận quan hệ tình dục thì không bị pháp luật xử lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp các em không trang bị đầy đủ kiến thức về cách quan hệ tình dục an toàn, dễ xảy ra có thai ngoài ý muốn. Việc mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là vấn đề về sức khỏe, mà có thể rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của trẻ vị thành niên về tương lai sau này, do đó không ít gia đình và trẻ vị thành niên quyết định hủy bỏ thai.
Theo quy định pháp luật Việt nam hiện hành, trẻ vị thành niên được quyền nạo phá thai nhưng phải đảm bảo điều kiện không được loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính, thai nhi từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị … theo quy định chi tiết tại Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ Y tế [2] .
Tuy nhiên, trước khi quyết định đình chỉ thai, các em nên cân nhắc thật kỹ và hỏi ý kiến từ các bậc phụ huynh, người lớn đáng tin cậy vì đây là quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai và sức khỏe của trẻ sau này.
Cha mẹ cũng nên chủ động tìm hiểu để có thể chia sẻ, tư vấn cho con mình, động viên trẻ bày tỏ những thắc mắc và lựa chọn cách giải quyết tốt nhất, không nên để trẻ sợ hãi, giấu diếm và tự giải quyết một mình vì có thể để lại hậu quả đáng tiếc, không khắc phục được.
[1] “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1 Luật Trẻ em 2016), 1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.” (khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015); và “1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên”(khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015).
[2] Khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
+ Khoản 4 Điều 1 Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân: Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.
+ Phần 8 Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016: việc nạo phá thai chỉ được thực hiện cho đến khi thai đủ 22 tuần tuổi.
+ Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP : "Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác" là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.