Một số điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự năm 2025

Ngày 25/06/2025 tại kỳ họp thứ 9, Quốc Hội thông qua Luật số 86/2025/QH15 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2025 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Nội dung chính có những điểm thay đổi như sau:

1.   Bổ sung Điều 256a về “Tội sử dụng trái phép chất ma túy”:

Luật sửa đổi, bổ sung đã có quy định mới về việc xử lý hình sự đối với các đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý, khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 02 năm đến 03 năm, thuộc một trong các trường hợp sau:

-          Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;

-          Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;

-          Đang trong thời hạn 02 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;

-          Đang trong thời hạn 02 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

Ngoài ra, khung hình phạt đối với hành vi tái phạm về tội này là phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.

2.   Bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh gồm:

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

Về điều khoản chuyển tiếp, Luật quy định hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 01/7/2025 đối với 8 tội danh nêu trên của Bộ luật hình sự mà chưa thi hành án thì không bị thi hành án và chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Riêng đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ sau khi bỏ hình phạt tử hình thì tại khoản 1 Điều 63 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng khoan hồng đối với người phạm tội chủ động nộp lại tài sản và tích cực hợp tác, điều này quy định như sau: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

3.   Sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt trách nhiệm hình sự đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường với quy định tại Điều 235 về “tội gây ô nhiễm môi trường” như sau:

-          Tăng gấp đôi mức phạt tiền tối thiểu và tối đa cho cả cá nhân và pháp nhân;

-          Nâng mức phạt tù;

-          Mở rộng phạm vi xử lý hình sự: Giảm ngưỡng thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường…

4.   Bổ sung quy định tại điểm c Điều 40 về không thi hành mức án tử hình đối với người bị kết án trong các trường hợp sau:

“3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người đủ 75 tuổi trở lên;

c) Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.”

Tại Điều luật này, bổ sung điểm c về việc không thi hành án đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

5.   Nâng gấp 2 lần mức phạt tiền đối với 24 tội danh gồm:

-          Nhóm tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi (Điều 195);

-          Nhóm tội phạm về môi trường: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), tội vi phạm quy định về quản lý chất thải (Điều 236), tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237), tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chông thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ bờ sông, bãi sông (Điều 238), tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động, thực vật (Điều 241), tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242), tội huỷ hoại rừng (Điều 243), tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244), tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245), tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm phạm (Điều 246);

-          Nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng: Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317);

-          Nhóm tội phạm về tham nhũng: các điều từ 353 đến 359.

6.   Tăng mức phạt tù đối với 8 tội danh gồm:

Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 BLHS), tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236), tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255), tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).

     Tác động thực tiễn:

-            Tác động đến doanh nghiệp: Luật sửa đổi nâng cao mức phạt tiền đối với các tội liên quan đến kinh tế, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tham nhũng. Việc nâng cao mức phạt tiền và mở rộng phạm vi rủi ro trách nhiệm hình sự nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp, tăng tính răn đe, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc hơn.

-            Tác động đến người dân:

+     Thể hiện chính sách nhân đạo khi (i) bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh; (ii) người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối không bị thi hành án tử hình;

+     Bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy và tăng mức phạt đối với nhóm tội phạm về ma tuý nhằm tăng cường công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong xã hội;

+     Nâng cao mức phạt tiền và phạt tù đối với một số tội danh nhằm đảm bảo tính răn đe và phù hợp với thực tiễn.